Các tiêu chuẩn An toàn làm việc trên cao

1. Những ngành nghề thường xuyên làm việc trên cao và nguy cơ mất an toàn

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, thì người lao động làm việc ở độ cao 2m trở lên được xếp vào nhóm người làm việc trên cao. Độ cao này được quy định trong nhiều văn bản khác nhau, ví dụ:

  • Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5308: 1991
    Tại Khoản 1.14, Mục 1 về Quy phạm kỹ thuật an toàn trong xây dựng, quy định: “Khi làm việc từ độ cao 2m trở lên hoặc chưa đến độ cao đó nhưng dưới chỗ làm việc có các vật chướng ngại nguy hiểm thì phải trang bị dây an toàn cho công nhân hoặc lưới bảo vệ nếu không làm được sàn thao tác có lan can an toàn”.
  • Thông tư số 06/2020/TT-BLĐTBXH ngày 20/8/2020 của Bộ Lao động- thương binh và xã hội về việc ban hành Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ nêu rõ: “Mục 7: Làm việc trên cao cách mặt bằng làm việc từ 2m trở lên, trên sàn công tác di động, nơi cheo leo nguy hiểm”.
  • Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia an toàn trong xây dựng QCVN 18:2021/BXD(ban hành kèm theo Thông tư 16/2021/TT-BXD ngày 05/9/2014 của Bộ Xây dựng): Khoản 2.1.5 Mục 2 quy định: “Khi làm việc trên cao (từ 2m trở lên) hoặc chưa đến độ cao đó nhưng dưới chỗ làm việc có các vật chướng ngại nguy hiểm, thì phải trang bị dây an toàn cho NLĐ hoặc lưới bảo vệ. Nếu không làm được sàn thao tác có lan can an toàn, không cho phép NLĐ làm việc khi chưa đeo dây an toàn”.

Chúng ta có thể thấy rất rõ nhóm ngành nghề mà tỷ lệ người lao động làm việc ở trên cao lớn như xây dựng, điện lực, viễn thông, cơ khí chế tạo…

Khi làm việc trên cao, người lao động dễ gặp phải các nguy cơ mất an toàn như ngã từ trên cao, vật nặng rơi vào cơ thể, bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khí hậu ngoài trời, vướng phải các vật sắc nhọn gây thương tích… Chính vì vậy Làm việc trên cao được xếp là 1 trong 32 ngành nghề có yêu cầu nghiêm ngặt về An toàn vệ sinh lao động.

2. Các quy định pháp luật về an toàn làm việc trên cao

2.1. Quy định chung

Như đã nói ở trên Làm việc trên cao được xếp là 1 trong 32 ngành nghề có yêu cầu nghiêm ngặt về An toàn vệ sinh lao động. Chính vì vậy người laod động làm việc trên cao cần tuân thủ các quy định trong Nghị định  44/2016/NĐ-CP:

  • Có giấy chứng nhận đảm bảo sức khỏe làm việc trên cao do cơ quan y tế cấp. Định kỳ 6 tháng phải được kiểm tra sức khỏe một lần. Phụ nữ có thai, người có bệnh tim, huyết áp, tai điếc, mắt kém không được làm việc trên cao.
  • Người lao động phải được huấn luyện định kỳ và cấp thẻ an toàn theo đúng nhóm 3 và ngành nghề lao động của mình.
  • Được trang bị và hướng dẫn sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân khi làm việc trên cao: dây an toàn,quần áo, giày, mũ bảo hộ lao động.

2.2. Tham khảo thông tư số thông tư 16/2021/TT-BXD

Ngoài những quy định chung, mời bạn đọc tham khảo trích dẫn luật Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia an toàn trong xây dựng QCVN 18:2021/BXD (ban hành kèm theo Thông tư 16/2021/TT-BXD  của Bộ Xây dựng. Có thể bạn không làm việc trong lĩnh vực xây dựng, nhưng hãy tham chiếu các quy định này như một bộ nguyên tắc an toàn khi làm việc trên cao cho công việc, ngành nghề mà mình đang làm:

a. Quy định chung

  • Để ngăn ngừa nguy hiểm, người sử dụng lao động phải có kế hoạch và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn chống rơi, ngã; biện pháp sơ cứu, cấp cứu trong các trường hợp sau:
    • Làm việc trên cao: Tại nơi làm việc bên trong, ngoài hoặc trên công trình hoặc những nơi làm việc khác ở công trường mà vị trí đứng làm việc (tính từ đáy bàn chân người đứng) có độ cao từ 2,0 m trở lên so với bề mặt bên dưới như mặt đất, mặt sàn, mặt kết cấu, đáy hố và các bề mặt khác;
    • Làm việc trên các mái nhà, mái dốc (mái có độ dốc lớn hơn 10 độ).
  • Ở các khoảng trống (ví dụ: mép mái, quanh các lỗ mở), phải có lan can an toàn và tấm chặn chân. Trong trường hợp không thể lắp đặt lan can và tấm chặn chân, người lao động phải sử dụng dây an toàn.
  • Phải lắp đặt giàn giáo, thang leo, đường dốc hoặc các phương tiện an toàn phù hợp khác để người lao động có thể ra vào an toàn.
  • Trong trường hợp không thể lắp đặt được lan can an toàn, người lao động khi làm việc trên cao (kể cả ở độ cao dưới 2,0 m nhưng vẫn có nguy cơ tai nạn nếu không có biện pháp bảo vệ) phải được bảo vệ đầy đủ bằng lưới an toàn, tấm (sàn) đỡ an toàn hoặc phải có sàn công tác hoặc phải sử dụng dây an toàn cùng với dây cứu sinh được treo (buộc) chắc chắn.
  • Người lao động làm việc trên cao, trên mái phải được đào tạo, được trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ, chống rơi, ngã. Người sử dụng lao động phải cung cấp đầy đủ các phương tiện bảo vệ và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn và phải kiểm tra, theo dõi sức khỏe của người lao động (thể chất và tinh thần) trước khi bắt đầu và trong khi làm việc.

b. Làm việc trên mái nhà

  • Tất cả công việc trên mái phải được lập kế hoạch trước khi thực hiện và được kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
  • Ván mái (crawling boards) để phục vụ cho việc di chuyển, đi lại của người lao động phải được buộc, neo giữ chắc chắn vào kết cấu của mái.
  • Thanh kê, neo, kẹp mái (roofing brackets) để đặt các tấm ván phục vụ cho việc di chuyển, đi lại của người lao động phải có cùng độ dốc với độ dốc của mái và đảm bảo được đỡ, neo giữ chắc chắn vào kết cấu của mái.
  • Lan can an toàn ở mép (rìa) mái phải có tối thiểu một thanh ngang nằm giữa (để ngăn người lao động bị lọt ra khỏi lan can khi họ thao tác ở tư thế cúi hoặc quỳ) trừ trường hợp có biện pháp đảm bảo an toàn khác (ví dụ: sử dụng dây an toàn).
  • Tại các khu vực không có người làm việc hoặc gần mép (rìa) của mái có kích thước lớn, cho phép sử dụng các thanh (ống giáo) với các thanh chống xiên (vào rào chắn) để làm rào chắn đơn giản. Các rào chắn này phải lắp đặt cách mép (rìa) mái tối thiểu là 2,0 m.
  • Các tấm, ván sử dụng để đậy, che các lỗ mở trên mái phải được làm chắc chắn và lắp đúng vị trí lỗ mở.
  • Đối với các mái dốc, phải bố trí các ván mái phù hợp và (hoặc) thang leo lắp trên mặt mái (roof ladders) để tránh trượt ngã. Các ván mái, thang leo phải được neo giữ chắc chắn vào kết cấu của mái.
  • Khi thực hiện các công việc trên mái, phải luôn kiểm tra rào chắn, lan can an toàn, tấm chặn chân để đảm bảo chúng trong tình trạng chắc chắn.
  •  Khi người lao động phải làm việc trên mặt mái được lợp bằng các loại vật liệu dễ vỡ (ví dụ: kính, ngói, vật liệu giòn khác), phải bố trí đường đi lại trên mặt mái (như sử dụng thang hoặc các tấm ván bắc qua các điểm đỡ chắc chắn) để phục vụ cho công việc lợp mái và đi lại an toàn.
  • Phải có tối thiểu hai tấm ván mái để người lao động không phải đứng trực tiếp trên mái làm bằng vật liệu dễ vỡ khi bắt buộc phải di chuyển ván mái (hoặc thang leo) hoặc vì bất kỳ lý do nào khác.
  • Đối với các khu vực sẽ lắp tấm lợp mái bằng vật liệu dễ vỡ, căn cứ vào điều kiện và tình trạng bên dưới mái, phải có các biện pháp đảm bảo an toàn phù hợp như lắp lưới thép đỡ (hoặc sàn đỡ an toàn) bên dưới trước khi bắt đầu lợp mái.
  • Xà gồ hoặc các cấu kiện đỡ trung gian cho tấm lợp mái bằng vật liệu dễ vỡ phải được thiết kế và lắp đặt để hạn chế tối đa nguy cơ tấm lợp mái bị rơi xuống.
  • Đối với các rãnh thoát nước trên mái làm bằng vật liệu dễ vỡ có cho phép người đi lại bên trong (các rãnh này), phải bố trí các bộ phận chống rơi, ngã bên dưới rãnh thoát và bộ phận này phải có bề rộng lớn hơn bề rộng của rãnh thoát tối thiểu là 1,0 m về hai phía.
  • Phải bố trí các biển cảnh báo dễ thấy tại các lối đi, khu vực tiếp cận vào mái nhà làm bằng vật liệu dễ vỡ.

c. Làm việc trên các công trình cao

  • Khi lắp đặt, sửa chữa, bảo trì các công trình cao, nếu không có các phương tiện, thiết bị chuyên dụng để đảm bảo an toàn cho người lao động, phải sử dụng hệ giàn giáo phù hợp với đặc điểm công trình và có lưới đỡ bên dưới với khoảng cách phù hợp.
    CHÚ THÍCH: Các công trình cao bao gồm các kết cấu dạng cột, trụ, tháp như trụ cầu dây văng, tháp viễn thông, cột truyền tải điện, ống khói cao, tượng đài, cột (tháp) pa nô quảng cáo và các công trình tương tự hoặc ở mặt ngoài các tòa nhà, tượng đài, si lô, đập lớn và tương tự khác.
  • Sàn công tác trên cùng của giàn giáo phải thấp hơn đỉnh công trình tối thiểu là 65 cm.
  • Trên giàn giáo, sàn đỡ an toàn ngay bên dưới sàn đang có người lao động làm việc phải để trống (không sử dụng) để bảo vệ, ngăn ngừa nguy cơ các vật rơi từ bên trên xuống.
  • Khoảng cách khe hở giữa giàn giáo và công trình cao không được vượt quá 20 cm ở mọi vị trí.
  • Sàn đỡ an toàn phải được lắp đặt ở bên trên:
    • Lối vào công trình cao;
    • Lối đi, nơi làm việc của người lao động để ngăn ngừa nguy hiểm do vật rơi.
  • Để leo lên hoặc xuống công trình cao, phải lắp đặt các phương tiện sau:
    • Cầu thang bộ hoặc thang leo sắt;
    • Các bậc thang leo sắt được neo chặt vào vách hoặc tường của công trình;
    • Các phương tiện phù hợp khác.
  • Khi leo thang leo sắt lắp ở mặt ngoài của công trình cao, người lao động phải sử dụng dây an toàn lõi thép. Dây an toàn phải được quấn vòng ở đầu tự do (đầu nối vào đai an toàn của người lao động), treo thả xuống ít nhất 3,0 mét (tính từ điểm móc cố định).
  • Khi người lao động làm việc trên các công trình cao độc lập, vùng nguy hiểm phải được thiết lập và kiểm soát bằng rào chắn chống xâm nhập để tạo vùng an toàn cho người bên ngoài.
  • Người lao động thực hiện các công việc xây dựng, bảo trì hoặc sửa chữa trên các công trình cao không được phép:
      • Làm việc ngoài trời mà không đeo dây an toàn với dây cứu sinh gắn vào bậc thang (neo sẵn vào công trình cao) hoặc các vòng neo, điểm neo chắc chắn trên công trình cao;
      • Đặt (để) các dụng cụ nằm giữa dây an toàn và cơ thể hoặc để trong các túi quần áo bảo hộ không có mục đích để chứa dụng cụ;
      • Dùng tay lôi, kéo hoặc mang các vật liệu hoặc thiết bị nặng khi lên, xuống hoặc rời khỏi nơi làm việc trên công trình cao;
      • Siết, neo chặt ròng rọc hoặc giàn giáo vào các vòng neo tăng cường (vòng gắn trên thân công trình cao) mà không kiểm tra, thử nghiệm trước khả năng chịu tải, sự chắc chắn của các vòng neo này;
      • Làm việc một mình;
      • Leo lên công trình cao nhưng không có các phương tiện để đảm bảo an toàn;
      • Làm việc trên công trình cao đang hoạt động (ví dụ: ống khói đang hoạt động), trừ trường hợp có các biện pháp đảm bảo an toàn để tránh nguy hiểm.

d. Quy định khác

  •  Người lao động làm việc trên cao và dưới hầm sâu phải có túi đựng dụng cụ đồ nghề. Không được thả, ném các loại vật liệu, dụng cụ, đồ nghề trên cao xuống.
  •  Khi làm việc trên cao, người lao động phải được trang bị thùng đựng đồ vặt; dụng cụ và thùng đựng đồ vặt phải được buộc dây tránh rơi gây tai nạn.
  • Phải có giải pháp chuyển vật liệu thừa, vật liệu thải từ trên cao (trên 3 m) xuống. Không được đổ vật liệu thừa, vật liệu thải từ trên cao xuống khi khu bên dưới chưa rào chắn, chưa đặt biển báo và chưa có người cảnh giới.
  • Phải có biện pháp đảm bảo an toàn cho người và vật (như rào chắn, đặt biển báo, hoặc làm mái che, …) ở những vùng nguy hiểm do vật có thể rơi tự do từ trên cao xuống. Giới hạn của vùng nguy hiểm này được xác định theo Bảng:
  • Công tác làm mái và trên cao, không được phép thực hiện khi trời ẩm ướt hoặc mưa.
  • Lối thoát nạn phải được kiểm tra thường xuyên và duy trì thông thoáng trong mọi thời điểm, đặc biệt là đối với các khu vực trên cao và các khu vực bị hạn chế tiếp cận như trong tầng ngầm, công trình ngầm, đường hầm, không gian hạn chế; phải lắp đặt các biển chỉ dẫn hướng thoát nạn khi xảy ra cháy tại các vị trí phù hợp, dễ thấy.
  • Trong mùa mưa bão, giông lốc, người sử dụng lao động có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra và thực hiện các biện pháp cần thiết sau:
    • Thu gom và lưu trữ ở nơi đảm bảo đối với các vật dễ bay khi có gió mạnh như thanh gỗ, ván gỗ, hộp hoặc thùng kim loại, cánh cửa và các vật dễ bay khác để không gây nguy hiểm cho người ở trong và ở khu vực lân cận công trường;
    • Che chắn hoặc có biện pháp bảo vệ đối với các KCCĐT, giàn giáo (đặc biệt là khi chúng được lắp đặt ngoài trời), máy, thiết bị thi công, đường dây dẫn điện, thiết bị điện, hệ thống điện, hệ thống chống sét, kho chứa các chất, hóa chất độc hại, nguy hiểm có thể phát tán ra môi trường;
    • Biện pháp bảo vệ (nếu cần thiết) đối với đường đi, rào chắn, kết cấu móng đỡ máy, thiết bị và các đối tượng khác trên công trường có thể bị ảnh hưởng của lũ, lụt;
    • Các biện pháp cần thiết khác để đảm bảo an toàn cho người ở công trường trước các tác động của bão, giông lốc, mưa do bão, mưa đá, lũ, lụt.
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
Hiển thị tất cả kết quả cho ""